Chúng ta có đang thực sự hiệp nhất?

Là người Công giáo, hoặc Kito hữu nói chung, có lẽ không ai trong chúng ta lạ lẫm gì với cụm từ “hiệp nhất”. Tuy nhiên, tôi tự hỏi liệu chúng ta có thật sự hiểu và sống đúng với từ ngữ đó, hay là chúng ta cứ liên tục nói, đề cập, giảng dạy “hiệp nhất”, nhưng lối suy nghĩ và cách vận hành đời sống chúng ta đang rất khác với ý nghĩa thực sự của từ “hiệp nhất”.

Trước hết, nói về từ ngữ, “hiệp nhất” đơn giản có nghĩa là hiệp lại làm một từ nhiều thành phần khác nhau và quy hướng về một mục đích chung. Vậy rõ ràng, “hiệp nhất” không có nghĩa là “đồng nhất” và và hoàn toàn khác với “đồng hóa”. Trong khi “hiệp nhất” bao hàm sự khác biệt, còn “đồng nhất”, “đồng hóa” mang tính chất giống nhau và đồng dạng. Đại loại “đồng nhất” giống như kiểu “đồng phục” của các em học sinh Tiểu học, nghĩa là áo quần, giày dép, thậm chí nơ kẹp tóc dành cho các bé gái, đều phải giống hệt nhau. Khác với “đồng nhất”, “hiệp nhất” nghĩa là hợp lại, gom lại từ vô vàn các phần tử khác nhau, và cùng hướng đến một giá trị và mục tiêu chung.

Cứ quan sát chung quanh xem, liệu chúng ta có đang sống hiệp nhất? Hay là chúng ta cứ nói, cứ giảng “hiệp nhất” nhưng thực hành “đồng nhất”? Có phải chúng ta đang buộc tất cả phải có cùng tư tưởng thống nhất từ trên xuống dưới, từ xưa đến nay mà chúng ta gọi là “truyền thống”, không ai có quyền có ý kiến khác biệt và đối lập? Người nào hó hé có ý kiến trái chiều và phản biện là lập tức ta kết tội lạc giáo hoặc ly giáo, nhẹ thì bị lên án và chỉ trích, nặng thì bị “rút phép thông công” (thực ra “vạ tuyệt thông” đơn giản có nghĩa là Giáo hội không muốn thông truyền, đối thoại với người hoặc nhóm đó nữa) và bị trục xuất, khai trừ. Thử hỏi đó có phải là đường lối Thiên Chúa, đường lối mà Lời Chúa hướng dẫn và dạy dỗ chúng ta, hay đó chỉ là bảo vệ cơ chế, bảo vệ hệ thống và củng cố quyền lực và tầm ảnh hưởng?

Về phương diện mục vụ, liệu chúng ta có đang sống hiệp nhất? Đối với những người có hoàn cảnh đặc biệt, đa phần là thành phần thiểu số, ví dụ những người trong tình trạng hôn nhân “rối”, những người li dị tái hôn, những người thuộc cộng đồng LGBT, chúng ta đang đối xử với họ thế nào? Tôi quan sát thấy chúng ta đang muốn “đồng hóa” họ, chứ không thực sự muốn hiệp nhất. Chúng ta nhân danh “hiệp nhất” và kêu gọi họ “trở về” với Chúa và Giáo hội, họ được yêu cầu phải “thay đổi”, phải bỏ đi cái hoàn cảnh thật họ đang sống, phải từ bỏ con người thật của mình, phải nên giống tất cả những người “bình thường” khác, đại đa số vẫn nghĩ như vậy mới là hiệp nhất?! Ta thấy mình đúng vì đa số giống nhau mà, nhóm khác biệt ấy phải nên giống ta thì mới hiệp nhất?! Ủa, ta có phải là họ đâu mà ta biết, ta phán xét và ép buộc họ phải giống như ta? Thiên Chúa nhân từ và đầy lòng thương xót, Người yêu thương và tha thứ vô điều kiện, trong khi đó chúng ta ra điều kiện cho anh chị em mình, vậy hóa ra ta còn đòi hỏi hơn cả Thiên Chúa! Và rõ ràng, đó không phải là đường lối của Thiên Chúa.

Còn rất nhiều điều đáng để suy tư và phân định lại về thực hành hiệp nhất trong Kito giáo chúng ta nói riêng, và trong xã hội nói chung, mà trong một vài dòng ngắn ngủi này chúng ta không thể nào trình bày hết được. Bài viết này chỉ nhằm khơi lên những ý tưởng và phản tỉnh, bắt đầu từ chính từ ngữ “hiệp nhất”, và sau là một vài ví dụ điển hình nêu trên trong cách xây dựng hiệp nhất của giáo hội. Hy vọng quý vị và các bạn, nhất là các bạn Công giáo, hiểu lại cho đúng chữ “hiệp nhất” và thực hành hiệp nhất theo đường lối Chúa và Lời Chúa chỉ dạy chúng ta!

Leave a comment