Công bằng với Chúa trong cử hành Lời Chúa

Đây là điều tôi và một vài linh mục quan tâm đến phụng vụ đúng mực, cũng như một số bạn Công giáo thao thức bấy lâu, xin được chia sẻ với quý vị và các bạn để chúng ta cùng suy tư, học và điều chỉnh lại cách cử hành Lời Chúa, theo như hướng dẫn của mẹ Giáo hội. Tôi không muốn bàn luận hay tranh cãi đúng sai ở đây, chỉ căn cứ vào Hướng dẫn Tổng quát sách Lễ Roma (HDTQSLR), với ước mong chúng ta hãy đối xử công bằng với Lời Chúa, mà là một trong bốn cách Chúa hiện diện trong Thánh Lễ, hay được gọi chính thức là cử hành phụng vụ Thánh Thể.

Về người đọc các bài đọc trong Thánh Lễ

Liên quan đến bài đọc 1 và bài đọc 2 (trong Lễ Chúa Nhật và lễ trọng), người ưu tiên số một được chọn đọc Sách Thánh là chủng sinh đã lãnh nhận chức đọc sách (Lector, n.99, 194-198 HDTQSLR). Phải trải qua một vài năm huấn luyện tiên khởi trong Chủng viện thì chủng sinh mới được lãnh nhận chức này. Khi “thầy đọc sách” vắng mặt, người giáo dân có thể được ủy quyền công bố các bài đọc Lời Chúa. Những người giáo dân phải được huấn luyện cẩn thận đàng hoàng để thực hiện chức năng này (n.101). Không phải ai muốn đọc thì đọc, hoặc được “chọn đại” và chuẩn bị một cách qua loa trước Lễ, hoặc được chọn vì chức vụ trong giáo xứ hay vì quen biết với cha, với người phụ trách phụng vụ, hoặc vì ăn mặc đẹp và có khuôn mặt khả ái dễ nhìn,v.v… Người giáo dân đọc Sách Thánh phải chuẩn bị trước ở nhà, tìm hiểu đoạn Lời Chúa mình sẽ đọc hoặc ít nhất thì cũng phải xem trước kẻo vấp váp, ngắt câu không đúng chỗ. Người đọc Lời Chúa phải đọc cách rõ ràng, không quá nhanh, cũng không quá chậm, và đọc với phong cách công bố. Đó là chưa kể họ cũng phải được huấn luyện về phát biểu trước công chúng.

Về người đọc hoặc hát đáp ca trong Thánh Lễ

Phụng vụ ghi rõ, đây phải là một người khác với người đọc bài đọc 1, trừ trường hợp không có sự hiện diện của người hát đáp ca thì người đọc bài đọc 1 mới đọc luôn phần Thánh vịnh đáp ca (n.196). Theo như tôi quan sát thấy, rất nhiều nơi, thậm chí cả trong cộng đoàn huấn luyện, nhất là trong thánh Lễ ngày thường, nhiều người thường có xu hướng “làm luôn một lèo”, nghĩa là, đọc bài đọc 1 xong là đọc hoặc hát đáp ca luôn, thậm chí luôn cả câu Tung hô Tin mừng. Họ thường tính vậy cho tiện, cho gọn, cho nhanh, mà không biết rằng, làm như vậy họ đã đối xử bất công với Lời Chúa, với dân Chúa. Cần có một khoảng thinh lặng thánh sau mỗi bài đọc để dân Chúa suy gẫm, để Lời Chúa có cơ hội thấm và đọng lại ít là một chút trong tâm hồn người tín hữu (n.45, 56)

Thinh lặng thánh sau các bài đọc và bài giảng

Như vừa mới đề cập trên đây, sau mỗi bài đọc cần phải có thinh lặng để cộng đoàn phụng vụ có chút thời gian “nghiệm” Lời Chúa. Bởi thế cho nên, phụng vụ cũng đã phân chia rõ ràng và tách biệt vai trò và nhiệm vụ của người đọc bài đọc và người đọc hoặc hát đáp ca. Trong khi người đọc bài đọc 1 đi xuống thì người hát đáp ca đi lên bục Lời Chúa, hoặc có thể xướng đáp ca từ chỗ ca đoàn, nghĩa là có một khoảng thinh lặng cho giáo dân suy gẫm Lời Chúa. Nếu ta cứ cử hành phụng vụ Lời Chúa cho có, cho xong, cho gọn, thì rõ ràng bao năm nay Lời Chúa đến với ta như “nước đổ đầu vịt” hoặc “nước đổ lá khoai”. Rồi nếu trong bài giảng Lễ, linh mục không đề cập gì đến bài đọc 1 và/hoặc bài đọc 2, thì coi như xong, Lời Chúa chẳng có gì đọng lại nơi tâm hồn con cái Chúa. Mới đây khi về thăm quê hương, tôi thấy rất vui là TGP Sài Gòn, với sự chỉ đạo của Đức Tổng Năng, các cha xứ nói chung và các cha giảng Lễ nói riêng đã dành ít phút thinh lặng sau bài giảng. Đó mới là chuẩn phụng vụ.

Công bố Tin mừng và giảng Lễ

Nhiệm vụ công bố Tin mừng trước hết là của Phó tế (thầy Sáu). Khi phó tế vắng mặt, thì một linh mục đồng tế có nhiệm vụ công bố Tin mừng, và cuối cùng mới đến lượt linh mục chủ tế, nếu không có sự hiện diện của linh mục đồng tế. Và khi công bố Tin mừng, linh mục đang thực hiện chức năng của phó tế nên không dang tay khi nói “Chúa ở cùng anh chị em”. Thật vậy, số 59 nói rõ, việc công bố các bài đọc, bao gồm cả công bố Tin mừng, mang tính phục vụ, chứ không phải chủ sự. Bạn đến với bục Lời Chúa với thái độ khiêm tốn phục vụ Lời, phục vụ Chúa, chứ không phải để bạn chủ sự ở đây. Bởi thế, người công bố Tin mừng, và chuẩn bị bài giảng phải có thái độ của người phục vụ Lời Chúa, chứ không phải làm chủ, thao túng, và muốn nói gì thì nói ở đây. Người giảng Lời Chúa phải hết sức nghiêm túc trong việc chuẩn bị bài giảng, bao gồm cầu nguyện, nghiên cứu, đọc các sách chú giải để thực sự hiểu được Lời Chúa muốn nói gì với mình và với dân Chúa, để rồi từ đó áp dụng Lời Chúa vào bối cảnh thực tế nơi mình đang sống và phục vụ.

Tóm lại, xin được chia sẻ với quý vị và các bạn nhưng ưu tư thao thức của mẹ Giáo hội bao năm nay, mà nhiều đứa con đã chưa thực sự lắng nghe, hiểu biết mà cử hành phụng vụ Lời Chúa cách đúng mực và công bằng với Chúa, với Lời hằng sống của Người. Chào đón các ý kiến góp ý bổ sung của quý vị và các bạn để chúng ta cùng nhau chấn chỉnh và cử hành phụng vụ Lời Chúa một cách xứng hợp hơn.

ambo

Leave a comment