Bạn có biết ?12: Hỏa ngục

Theo Giáo lý Công giáo, có lẽ không người Công giáo nào mà không biết khái niệm “hỏa ngục”, nó được cho là tình trạng xa cách Thiên Chúa mãi muôn đời, một sự trừng phạt vĩnh cửu đáng sợ nhất dành cho những người sống một đời tội lỗi xấu xa và không biết ăn năn hoán cải. Tuy nhiên, trong bài viết này, tôi muốn chia sẻ cùng quý vị và các bạn góc nhìn Thánh Kinh về hỏa ngục, nó không như những gì chúng ta nghĩ tưởng từ trước đến nay đâu.

Cái nhìn về “hỏa ngục” Trong Sách Thánh Do Thái thật ra không giống như cái nhìn của Kito giáo chúng ta. Chữ “hỏa ngục” thỉnh thoảng được dịch ra từ chữ “sheol”. Nhưng thật ra, “sheol” trong não trạng Do Thái đơn giản có nghĩa là phần mộ, nơi yên nghỉ, cõi âm ty, nơi mà tất cả mọi người chết đều phải đến và ở đó với tình trạng mờ nhạt, ảm đạm và thiếu sức sống, bất luận tình trạng luân lý đạo đức của họ như thế nào khi họ còn sống. Nó không mang ý nghĩa là một nơi thưởng phạt, mà đúng hơn là một tình trạng hoặc lãnh địa trung tính mà trong đó linh hồn người đã khuất tồn tại chờ ngày phục sinh. Thật ra thì ý tưởng về sự phục sinh cũng phát triển dần theo năm tháng, chứ thuở ban đầu Do Thái giáo không tin vào sự sống lại, dần dần sau này niềm tin đó mới trở nên mạnh mẽ, bắt đầu từ thời Maccabe, thời Do Thái giáo bị bách hại vô cùng tàn khốc. Một chữ khá gần nghĩa với “sheol” (Do Thái) là chữ “hades” (Hy Lạp), cũng có nghĩa là cõi âm ty, lãnh địa hoặc vương quốc tử nhân.

Một chữ khác trong Kinh Thánh cũng thường được dịch là “hỏa ngục” là chữ “gehenna”, chủ yếu được tìm thấy trong Tân ước. Thật ra, “gehenna”, hoặc “hinnom” trong tiếng Do Thái, có nguồn gốc từ một thung lũng đốt rác gần Gierusalem, tương truyền cũng là nơi diễn ra các nghi thức ngoại giáo xưa, nhất là tập tục sát tế trẻ em, điều mà Thiên Chúa lên án (xem Gr 7:31-32). Nó được coi như một nơi phán xét và thanh tẩy, chưa hẳn là trừng phạt đời đời. Đại loại nó hơi giống kiểu “luyện ngục” theo quan niệm Kito giáo. Thật vậy, người Do Thái tin rằng, chính ở gehenna mà người chết được thanh tẩy, có thời gian “đấm ngực ăn năn” về những sai lầm của mình khi còn sống, trước khi bước vào miền ánh sáng vĩnh hằng, hiệp nhất nên một với Thiên Chúa đời đời. Gehenna chỉ là một nơi tạm, không phải đời đời như “hỏa ngục” của Kito giáo.

Còn hai chữ khác trong Sách Thánh thỉnh thoảng cũng được diễn dịch là hỏa ngục, đó là “tartarus” (1 Pr 2:4), nơi giam giữ các thiên thần sa ngã, và “hồ lửa” (Kh 20:15), nơi những người không được ghi tên vào Sách Sự Sống bị ném vào.

Như vậy, khái niệm và từ ngữ “hỏa ngục” trong giáo lý Kito giáo không giống như những gì được viết và hiểu trong Sách Thánh. Vậy đâu là lý do cho việc này? Thứ nhất, theo tôi, hỏa ngục của Kito giáo rất có thể là một dạng vay mượn, chịu ảnh hưởng bởi tôn giáo tín ngưỡng chung quanh, vì sống chung lẫn lộn và pha tạp. Thứ hai, rất có thể đây là hậu quả của việc đọc Kinh Thánh theo nghĩa đen, chưa thực sự hiểu rõ thông điệp Lời Chúa, cộng với trí tưởng tượng phong phú của con người nên nhiều Kito hữu vẫn mang trong mình hình ảnh hỏa ngục rất giống với kiểu hỏa ngục được mô tả nơi tôn giáo khác, Phật giáo hay Hồi giáo chẳng hạn. Thứ ba, rất có thể đây là cách giảng dạy của giới giáo sỹ Kito giáo từ xưa đến nay, nhất là thời Trung cổ, nhằm dọa nạt, răn đe giáo dân, với ý định giúp họ sống tốt để khỏi sa hỏa ngục đời đời, đồng thời rất có thể có ẩn ý nhằm thao túng tâm lý giáo dân, khiến họ phải phụ thuộc vào giáo sỹ qua việc dâng cúng, xin lễ, v.v… Có thể còn những lý do khác nữa, xin mời quý độc giả tiếp tục suy tư và chia sẻ đóng góp nhé!

Tóm lại, “hỏa ngục” theo góc nhìn Thánh Kinh không đáng sợ như chúng ta thường nghĩ. Mang trong mình thân phận con người yếu đuối, ai rồi cũng phải chết, phải đến “sheol”, ai rồi cũng phải qua “gehenna” để được thanh tẩy và luyện lọc, trước khi “vào thiên đàng”, nghĩa là được kết hiệp đời đời với Thiên Chúa tình yêu vĩnh hằng, ánh sáng tinh tuyền, và sự thật vĩnh cửu.

Leave a comment